Nét là nền tảng của hình vẽ. Nét có thể được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau. Nó có thể được sử dụng để gợi ra hình dạng, mô típ, hình khối, cấu trúc, độ sâu, sự phát triển, khoảng cách, nhịp điệu, chuyển động, và một loạt các cảm xúc đa dạng. Ở bài này, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu về nét như yếu tố đầu tiên và linh hoạt nhất trong 7 yếu tố thị giác cơ bản.
Nét như là Sắc độ và Hình khối
Vào năm 1972, khi đang chuẩn bị cho một triển lãm hồi tưởng cá nhân lớn ở Florence với những tác phẩm điêu khắc, Henry Moore thường thư giãn bằng cách vẽ lũ cừu trên đồng cỏ phía bên ngoài xưởng của ông. Là một nhà điêu khắc, Moore bị cuốn hút bởi những biến thể tinh tế của những hình khối dạng lọn của lông cừu và đã ghi lại những quan sát này trong một cuốn sổ phác thảo, bằng bút bi. Một số hình ảnh sau này đã được làm lại thành bản in khắc a-xít như ví dụ trên.
Vốn từ vựng hình ảnh của những nét vẽ nguệch ngoạc và mở ra khắp phía mà Moore phát triển cho những bức vẽ này rất phù hợp với chủ thể của chúng. Những nét vẽ ngoằn ngoèo tương ứng hoàn hảo với kết cấu mềm mại có độ nẩy của bộ lông cừu. Ông xây dựng dần dần mật độ của các đường nét để tạo lập vùng tối hơn của sắc độ và giảm nó đi để gợi ra vùng sáng hơn. Trong phần hậu cảnh của tác phẩm, ông sử dụng các đường mở để vẽ hàng cây và cổng nhưng bất kỳ sự thiếu nhất quán nào trong phong cách của chúng lập tức được che giấu trong một lớp các nét nguệch ngoạc.
Trong bản in khắc a-xít Con cừu này, một phong cách thể hiện nét duy nhất đã làm việc đa nhiệm: thể hiện hình khối, sắc độ, và kết cấu bề mặt cùng sự đồng cảm với chủ thể của bức tranh – tới mức bạn gần như cảm thấy rằng chỉ cần kéo một đầu đường nét nào đó là sẽ tháo bung cả bức tranh như tháo nút một cuộn len.
Nét như là Kết cấu Chất liệu
Tác phẩm này là một bức tranh đầy hấp dẫn của Peter Doig, vẽ lại dựa trên những bức ảnh và ký ức thơ ấu về ngôi nhà Beaumont, ngôi nhà của kiến trúc sư Canada nổi tiếng Eberhard Zeidler. Đây là một phong cảnh hậu hiện đại rộng lớn dựa trên nhiều ảnh hưởng và ý tưởng nghệ thuật khác nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy ở đó di sản của hoạ sĩ Canada Tom Thomson và nhóm Bảy người của ông. Bức tranh thể hiện bề mặt và độ sâu nhiều như nhau, gợi nhớ tới những khung cảnh rừng của Paul Cézanne và Gustav Klimt; đặt tính biểu tượng và tính tái hiện ngang nhau, khơi gợi lên cả những vẩy màu pha trộn và rải rác dày đặc của một bức Jackson Pollock và sự cô lập và trống rỗng của một bức Edward Hopper; và nó cũng nói nhiều như thế về mối quan hệ giữa con người và môi trường, với thiên nhiên tái tạo lại chính môi trường của nó khi công trình kiến trúc đang bị sự xâm chiếm của khu rừng bao vây một cách đầy đe doạ.
Từ góc nhìn trên cao, một mảng những cành cây sương giá lấp lánh tuyết dệt lại thành một tấm màn treo lơ lửng, che khuất một căn nhà lạnh cóng và bể nước đóng băng của nó. Nếu một nghệ sĩ từ thời đại trước và truyền thống hơn vẽ lại khung cảnh này thì ắt hẳn anh hoặc cô ta sẽ bắt đầu với những đặc điểm phía xa của hậu cảnh, xây dựng từng lớp hình ảnh cho tới khi kết thúc bằng tiền cảnh với tấm màn của những cành cây. Doig, thay vào đó, thiết lập các đường nét dày đặc từ đầu quá trình họa hình và sử dụng chúng như một thiết bị kéo mắt khán giả về phía bề mặt của tác phẩm. Sau đó, ông bắt đầu khám phá sự mở rộng của bề mặt đó bằng cách vẽ tiếp khoảng giữa những cành cây để phát triển một mảng màu sắc và kết cấu phong phú tập trung vào chất lượng trừu tượng và biểu cảm của phương tiện. “Nơi này như một loại cánh cổng dẫn đến các khả năng trong hội hoạ. Bức tranh là điều mà tự nó trở thành, và khi tôi bắt đầu tôi thực sự không biết nó sẽ là như thế nào. Đó là điều khiến cho quá trình này trở nên hấp dẫn.” (Trích Phỏng vấn Peter Doig: sự chiến thắng của hội hoạ, The Telegraph, 02/08/2013).
Nét như là Cấu trúc
Nét có thể được sử dụng để truyền đạt những năng lượng động trong bố cục của một tác phẩm nghệ thuật. Trong bức tranh Tháp Eiffel, một trong chuỗi 11 tác phẩm được Robert Delaunay vẽ vào khoảng 1909-11 là thời gian mà toà tháp vẫn là công trình nhân tạo cao nhất thế giới, tác giả đã tiếp nhận những đường nét mang tính nhịp điệu của cấu trúc ấy để gợi ra sức mạnh chấn động của nó như thể nó bay lên trời. Những đường cong đối lập của những đám mây nhân đôi thành khói bụi cuồn cuộn khi công trình khổng lồ này xuyên qua những toà nhà của thành phố để trở thành biểu tượng hiện đại toàn cầu ở buổi bình minh của kỷ nguyên Hiện đại.
Nét như là dòng Chuyển động
Tất cả các nét trong bản in mộc bản Sóng lớn ngoài khơi Kanagawa của Katsushika Hokusai càn quét với một mãnh lực cực lớn, tăng lên đến đỉnh điểm tại các đỉnh sóng. Độ phồng của những con sóng được củng cố bởi các đường viền mô tả độ dày của tường sóng. Trong khi đó, đỉnh sóng vỡ ra thành những móng vuốt quặp vào không khí để duy trì một năng lượng địa chấn. Sức mạnh của chuyển động này được khuếch đại hơn nữa bởi những con thuyền bất lực, trôi dạt trên mặt biển không khoan nhượng. Để gia tăng độ kịch tính, Hokusai đã đóng băng hành động ngay tại trọng điểm nơi Sóng lớn đạt đỉnh và vỡ ra, đe doạ nhấn chìm đỉnh Phú Sĩ ở xa.
Nét như là Cảm xúc
Người đàn bà than khóc của Picasso là tác phẩm cuối cùng trong chín bức tranh và hai mươi bảy bức phác hoạ về chủ đề bi kịch được phát triển từ bức Guernica – kiệt tác đơn sắc cỡ lớn được thực hiện cùng năm. Bức hoạ này biểu tượng hoá nỗi đau thương của những nạn nhân vô tội là cư dân của Guernica, thị trấn xứ Basque đã bị ném bom bởi Không quân Đức và Không quân Lê dương Ý nhằm ủng hộ tướng Franco trong Nội chiến Tây Ban Nha.
Trong Người đàn bà than khóc, Picasso kết hợp chủ nghĩa Lập thể tổng hợp với một cấu trúc giống như kính màu. Những đường răng cưa, các hình dạng đứt gãy và các màu a-xít (các sắc xanh vàng sáng) tạo nên giai điệu tuyệt vọng của tác phẩm. Những cảm xúc bị tra tấn của người phụ nữ cô độc được đẩy lên cao bởi sự cân bằng cẩn thận của người nghệ sĩ đối với các nét đậm, màu sắc phóng đại, và cách vẽ đơn giản. Picasso sử dụng những nét tối (đen) để kéo những hình ảnh phân mảnh lại với nhau và làm giảm chấn động quang học của các màu đối lập (lục/đỏ, vàng/tím, lam/cam). Mặc dù vậy, những sắc tố đậm đặc của ông vẫn tạo ra đủ cường độ màu để gây ra một trạng thái báo động. Đôi mắt của người phụ nữ giống như những chiếc đèn pha vỡ vụn, bị những mảnh vỡ của chiếc khăn tay đâm xuyên qua. Hàm răng hô của cô ấy đang gặm nhấm chiếc khăn ấy theo cách như thể bị co giật. Những điều này kết hợp với một màu xanh biển nhạt – một sự tương phản ấn tượng giữa đơn sắc và màu. Ngay cả đường khâu trên áo khoác của cô ấy cũng đan thành một lớp lưới gai – tất cả đều sắc nét và góc cạnh trong định nghĩa trực quan về tuyệt vọng này.
Nét như là Năng lượng
Phác thảo này của Rembrandt là một nghiên cứu bậc thầy được thực hiện cho niềm vui đơn giản của chủ đề. Có thể nắm bắt được độ nhạy của khoảnh khắc dịu dàng này với nền tảng phương tiện như vậy không chỉ là một minh chứng xuất sắc cho sức mạnh của đường nét như một lực biểu đạt mà còn minh hoạ cho kỹ năng vẽ vượt trội của Rembrandt. Mặc dù tác phẩm không nhiều chi tiết, nó vẫn là kết quả của một sự quan sát và năng lượng mãnh liệt. Trong một bản phác thảo nhanh được hoàn thành trong chưa đầy một phút, Rembrandt đã nắm bắt được sự cân bằng không ổn định, mối liên kết cảm xúc, và mối quan hệ mang tính thế hệ của các nhân vật. Ông cũng đạt được độ chính xác đáng kể khi vẽ chiếc mũ của đứa trẻ mà đã được công nhận là thiết kế đương thời dành cho việc bảo vệ trẻ nhỏ khi bị ngã. Trong bàn tay của một bậc thầy vĩ đại như Rembrandt, một phác thảo nét đơn giản có thể truyền đạt nhiều thông tin trong một phút hơn một nghệ sĩ thông thường truyền tải trong một tháng.
Nét như là Hình khối
Trước khi Alexander Calder nổi danh như là một trong những nhà điêu khắc trừu tượng vĩ đại của thế kỷ 20, ông đã tạo ra những tác phẩm tượng hình bằng dây kim loại và kìm. Ông đã uốn, xoắn, và bẻ dây để tạo hình chân dung ba chiều của những những người nổi tiếng và bạn bè mình mà truyền tải tất cả sức sống và sự ngẫu hứng của một bức vẽ nét trong không gian. Những tác phẩm này có một yếu tố biếm hoạ nhưng chúng vẫn giữ được những nét tương đồng cần thiết với đối tượng của chúng, những người thường tiếp nhận chúng như những chứng nhận của tình bạn. Calder treo những bức “chân dung” này bằng dây thừng và xoay chúng chậm rãi, làm lộ dần một ấn tượng bất ngờ về khối lượng đạt được từ những phương tiện hạn chế, và thể hiện khả năng kiểm soát đường nét độc đáo mà thường thấy trong những bức phác thảo của các điêu khắc gia.
Nét như là sự Trừu tượng hoá
Ở phần đầu của nội dung này, chúng tôi đã nói rằng đường nét là yếu tố thị giác đầu tiên trong một tác phẩm. Nhưng trong Con trâu của Picasso thì nó cũng là yếu tố cuối cùng. Bức vẽ này là bức cuối cùng trong một chuỗi mười một nghiên cứu mà sẽ dẫn bạn qua một quy trình của sự trừu tượng hoá, tinh chỉnh hình thức, sắc độ, và cấu trúc bề mặt để chiết xuất bản chất của Con trâu trong một nét duy nhất.